Skip links

Sàn thương mại điện tử là gì? Các sàn thương mại điện tử phổ biến

Ngày nay, người tiêu dùng có thể mua sắm mọi thứ từ quần áo, đồ điện tử cho đến những thực phẩm tươi sống tại mọi lúc mọi nơi, tại mọi thời điểm chỉ với một thiết bị kết nối Internet. Sự tiện lợi trong tiêu dùng ấy có được phần lớn nhờ vào các sàn thương mại điện tử. Vậy sàn thương mại điện tử là gì và có đặc điểm gì? Trong bài viết dưới đây, BSS Commerce xin giới thiệu cho Quý độc giả từ A đến Z về sàn thương mại điện tử. Hãy cùng đón đọc nhé!

Tổng quan về Sàn thương mại điện tử

Sàn thương mại điện tử là gì?

Sàn thương mại điện tử (E-commerce Platform) có thể hiểu là một hệ thống trực tuyến cho phép người bán và người mua thực hiện các giao dịch hàng hóa hay dịch vụ qua Internet. Với người bán, các sàn thương mại điện tử là một không gian tiện lợi để có thể đăng bán sản phẩm, quản lý đơn hàng hay tiếp thị mà không phụ thuộc quá nhiều vào cửa hàng vật lý. Còn đối với người mua, các sàn thương mại điện tử cho phép họ dễ dàng tìm kiếm, so sánh giá hàng hóa và mua hàng từ nhiều nhà cung cấp khác nhau.

Lịch sử hình thành các sàn thương mại điện tử

Sàn thương mại điện tử là gì? Lịch sử hình thành

Thương mại điện tử có những bước hình thành và phát triển đầu tiên vào những năm 70 của thế kỷ XX cùng sự ra đời của các công nghệ như EDI (Electronic Data Interchange) và EFT (Electronic Funds Transfer). Các công nghệ này cho phép doanh nghiệp trao đổi các văn bản điện tử như đơn hàng hay hóa đơn. Những năm 1980s chứng kiến sự ra đời của thẻ tín dụng, máy ATM và các ngân hàng di động đã tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển thương mại điện tử.

Với sự ra đời của trình duyệt web đầu tiên (World Wide Web) vào năm 1990, một kỷ nguyên mới cho lĩnh vực thương mại điện tử bắt đầu. Vào năm 1995, các “ông lớn” như Amazon và eBay được trình làng, đánh dấu cho sự phát triển của các sàn thương mại điện tử toàn cầu.

Tại Việt Nam, những năm đầu của thế kỷ XXI chứng kiến sự xuất hiện của các trang web trang rao vặt trực tuyến như các diễn đàn Webtretho (2002), Lamchame (2003), 5giay.com (2004),… Đây chính là những hình thái đầu tiên của các sàn thương mại điện tử trên đất Việt. Trong giai đoạn 2010 – 2017, sự phát triển rộng rãi của Internet đã cho phép người tiêu dùng Việt Nam được lần đầu tiên tiếp xúc với các sàn thương mại điện tử lớn như Lazada, Shopee, Tiki,

Kể từ năm 2018, thương mại điện tử ở Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ đặc biệt với xu hướng thương mại điện tử xuyên biên giới. Đặc biệt, trong đại dịch COVID-19, các sàn thương mại điện tử tại Việt Nam đạt mốc 13,7 tỷ USD doanh thu bán lẻ. Đây chính là cột mốc đánh dấu sự tăng trưởng mạnh mẽ của các sàn thương mại điện tử tại Việt Nam. Thương mại điện tử hứa hẹn sẽ đạt được thêm nhiều kỷ lục trong các năm tới trên mảnh đất hình chữ S.

Chúng ta có thể thấy dù mới xuất hiện cách đây vài thập kỷ nhưng các sàn thương mại điện tử không ngừng mở rộng và phát triển để đáp ứng nhu cầu mua sắm online của người tiêu dùng thế giới và Việt Nam.

Tìm hiểu: Các mô hình thương mại điện tử phổ biến tại Việt Nam và thế giới

Các đặc điểm của sàn thương mại điện tử

Các sàn thương mại điện tử ở thị trường Việt Nam và thị trường quốc tế có ít nhiều sự khác biệt về giao diện, ngôn ngữ, cách sử dụng song nhìn chung vẫn mang những đặc điểm chung như sau:

  • Danh mục sản phẩm đa dạng: Người mua trên các sàn thương mại điện tử có thể tìm kiếm và mua sắm hàng ngàn, thậm chí hàng triệu sản phẩm thuộc nhiều danh mục khác nhau. Các danh mục hàng hóa trên các sàn trải dài từ thời trang, đồ điện tử đến đồ gia dụng, thực phẩm và cả các dịch vụ như mua vé xem phim, vé tàu,…
  • Hệ đống đánh giá sản phẩm: Các sàn thương mại điện tử có điểm chung là đều có các tính năng để người mua có thể đánh giá các sản phẩm bằng hình ảnh, video và bình luận. Điều này có thể giúp người tiêu dùng có thể xem công khai các đánh giá từ người mua khác để đưa ra lựa chọn phù hợp.
  • Đa dạng phương thức thanh toán: Các sàn thương mại điện tử đi kèm nhiều phương thức thanh toán khác nhau với tính bảo mật tương đối. Người mua có thể lựa chọn thanh toán bằng thẻ tín dụng, các ví điện tử, chuyển khoản ngân hàng hoặc lựa chọn thanh toán khi nhận hàng (COD – Cash On Delivery).
  • Tích hợp các dịch vụ giao hàng: Các sàn thương mại điện tử sẽ cho người dùng được chủ động lựa chọn các đơn vị giao hàng mong muốn. Ngoài ra, hệ thống giao hàng cho các sàn thương mại điện tử đều được tối ưu hóa để có thể giao sản phẩm đến tay người mua trong thời gian nhanh nhất có thể
  • Chính sách đổi trả rõ ràng: Người hàng trên các sàn thương mại điện tử có thể dễ dàng đổi trả sản phẩm trong một khoảng thời gian nhất định trong trường hợp không hài lòng với sản phẩm hoặc lỗi do nhà sản xuất. Ví dụ, Shopee cho phép người mua hoàn trả hàng nếu không ưng ý trong vòng 15 ngày kể từ ngày nhận hàng.
  • Nhiều chương trình khuyến mãi và giảm giá: Để cạnh tranh, các sàn thương mại điện tử thường xuyên tổ chức các chương trình khuyến mãi và flash sale để thu hút người mua. Các chương trình khuyến mãi thường đi kèm các mã giảm giá hấp dẫn và các quà tặng kèm.

Xem thêm: Top chiến lược kinh doanh thương mại điện tử giúp bạn thành công

Lợi ích của việc tham gia sàn thương mại điện tử

Một số lợi ích cho doanh nghiệp khi tham gia các sàn thương mại điện tử có thể kể đến như:

  • Tiếp cận khách hàng tiềm năng nhanh chóng
  • Giảm chi phí vận hành so với cửa hàng vật lý
  • Đẩy mạnh doanh số bán hàng
  • Dễ dàng quản lý và đo lường kết quả kinh doanh
  • Tăng cường uy tín thương hiệu khi có sự hiện diện trên các sàn thương mại điện tử

Các loại sàn thương mại điện tử phổ biến

Các loại sàn thương mại điện tử phổ biến

Dựa theo mô hình kinh doanh, các sàn thương mại điện tử có thể được chia thành 4 loại phổ biến nhất như sau:

Sàn B2C (Business to Consumer)

Sàn B2C là các sàn thương mại điện tử mà ở đó doanh nghiệp bán sản phẩm trực tiếp tới người tiêu dùng. Đây là loại hình kinh doanh phổ biến nhất khi nhắc đến sàn thương mại điện tử. Các sàn nổi tiếng theo mô hình này có thể kể tên Lazada, Shopee, Amazon,… Trên các sàn này, người mua có thể dễ dàng tìm kiếm và so sánh giá hàng hóa từ nhiều thương hiệu và nhà cung cấp khác nhau trên cùng một sàn.

Ưu điểm của các sàn thương mại điện tử B2C là tính tiện lợi cho người tiêu dùng khi có thể lựa chọn giá cả và chất lượng phù hợp nhất. Người mua có thể “chốt deal” ở mọi lúc, mọi nơi chỉ với một thiết bị có kết nối Internet như smartphone, laptop, máy tính bảng,…

Về nhược điểm, các sàn thương mại điện tử B2C mang lại sự cạnh tranh cao do số lượng đông đảo các nhà cung cấp. Vì vậy, người mua có thể bị “ngợp” với vô vàn lựa chọn sản phẩm. Bên cạnh đó, chất lượng sản phẩm không đồng đều cũng có thể là một vấn đề khi một sản phẩm được bán bởi nhiều nhà cung cấp khác nhau.

Khám phá: Thương mại điện tử B2C: Mô hình và Cơ hội phát triển

Sàn C2C (Consumer to Consumer)

Khác với B2C, sàn C2C là sàn thương mại điện tử mà ở đó người tiêu dùng trực tiếp bán hàng cho nhau. Người dùng trên các sàn này vừa là người bán, vừa là người mua trên thị trường. Ví dụ điển hình cho loại hình là Chợ Tốt tại Việt Nam hoặc eBay ở Hoa Kỳ. Với loại hình sàn thương mại điện tử này, người dùng cá nhân có thể tự do bán các sản phẩm đã qua sử dụng hoặc sản phẩm tự sản xuất mà không cần qua các bên trung gian.

Về ưu điểm, sản phẩm trên các sàn C2C thường có giá rẻ hơn nhiều so với mua từ doanh nghiệp hoặc các nhà cung cấp. Điều này tạo cơ hội cho các cá nhân có thể kiếm thêm thu nhập mà không cần quá nhiều quy trình phức tạp. Người mua có thể tìm được những mặt hàng độc quyền hoặc hiếm có.

Về nhược điểm, sàn thương mại điện tử C2C thường hạn chế về việc kiểm soát chất lượng sản phẩm, dẫn đến rủi ro về giao dịch và thanh toán. Vì vậy, người mua cần cẩn trọng và tìm hiểu kỹ trước khi mua hàng trên các sàn C2C

Sàn B2B (Business to Business)

Sàn B2B là sàn thương mại điện tử mà ở đó các doanh nghiệp thực hiện giao dịch với nhau. Alibaba là một trong những sàn B2B lớn nhất. Doanh nghiệp sử dụng sàn Alibaba có thể tìm kiếm nguồn cung hàng và dịch vụ từ nhà cung cấp khác. Đây là một giải pháp thông minh giúp doanh nghiệp tối ưu hóa quy trình mua sắm và giảm chi phí đầu vào. Sàn B2B tập trung chủ yếu vào các giao dịch có giá trị cao và dài hạn cũng như các hợp đồng đối tác kinh doanh.

Ưu điểm của các sàn thương mại điện tử B2B nằm ở việc kết nối doanh nghiệp với hệ thống đối tác toàn cầu. Nhờ vào đó mà doanh nghiệp có thể lựa chọn nguồn nguyên liệu đầu vào phù hợp để cắt giảm chi phí sản xuất trong ngắn hạn và dài hạn. Tuy nhiên, sàn thương mại điện tử B2B cầu quy trình phức tạp và thời gian giao dịch dài. Các giao dịch trên sàn B2B đặc biệt cần có sự tin tưởng và uy tín giữa các bên.

Sàn D2C (Direct to Consumer)

Sàn D2C là loại hình sàn thương mại điện tử cho phép các nhà sản xuất bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng mà không cần qua các nhà bán lẻ trung gian. Một số sàn thương mại điện tử D2C nổi tiếng gồm Warby Parker và Glossier. Mô hình này tương đối mới và đòi hỏi nhiều nguồn lực để có thể vận hành hiệu quả.

Xem thêm: Mô hình D2C: Mô hình thương mại điện tử mới

Ưu điểm của sàn thương mại điện tử D2C nằm ở việc thương hiệu có thể cắt giảm chi phí trung gian. Nhờ vào đó mà doanh nghiệp có thể bán sản phẩm với giá cả cạnh tranh hơn và kiểm soát chất lượng hiệu quả hơn. Còn đối với người tiêu dùng, họ có thể mua sản phẩm trực tiếp từ nhà sản xuất với giá cả hợp lý hơn khi so với mua từ các kênh B2C.

Trái lại, vận hành sàn thương mại điện tử D2C đòi hỏi doanh nghiệp đầu tư mạnh vào marketing và logistics. Hay nói khác đi, nhà sản xuất theo mô hình D2C trong thương mại điện tử cần có chiến lược kinh doanh và marketing hiệu quả để tiếp cận khách hàng.

Lưu ý: Một sàn thương mại điện tử có thể bao gồm nhiều loại hình kể trên.

Các sàn thương mại điện tử phổ biến ở Việt Nam

Hãy cùng điểm mặt top 5 sàn thương mại điện tử nổi bật ở Việt Nam nhé!

Shopee

Shopee - sàn thương mại điện tử

Khi nhắc tới thương mại điện tử thì cái tên “top-of-mind” cho đa phần người tiêu dùng ở Việt Nam chính là Shopee. Shopee được thành lập năm 2015 bởi Forrest Li và là sàn thương mại điện thuộc sở hữu của Sea Group. Shopee chính thức ra mắt tại thị trường Việt Nam vào ngày 8 tháng 8 năm 2016.

Đây là một sàn thương mại điện tử hoạt động đa quốc gia, chủ yếu tập trung vào thị trường Đông Nam Á và Đài Loan. Shopee nổi tiếng với việc cung cấp cho người dùng một trải nghiệm mua sắm online dễ dàng và nhanh chóng. Tại thị trường Việt Nam, theo báo cáo doanh thu trên các sàn thương mại điện tử của theo YouNet ECI, Shopee hiện đang dẫn đầu về thương mại điện tử với gần 71.4% thị phần tổng khối lượng hàng hóa, tương đương 62,38 nghìn tỷ đồng VND tính đến Q2/2024. Shopee đem đến các dịch vụ nổi bật như Shopee Guarantee (đảm bảo thanh toán an toàn bằng cách đóng vai trò trung gian) hay Shopee Mall (tập trung các thương hiệu uy tín).

Shopee hiện vận hành trên cả ba loại hình: C2C (Consumer to Consumer), B2C (Business to Consumer) và B2B (Business to Business). Bên cạnh các dịch vụ mua sắm, Shopee còn cung cấp các dịch vụ như ShopeePay hay ShopeeFood. Sàn thương mại điện tử dẫn đầu ở Việt Nam còn đem đến chương trình Shopee Uni hỗ trợ và đào tạo các doanh nghiệp hay cá nhân kinh doanh trực tuyến.

Lazada

Lazada

Lazada là sàn thương mại điện tử được thành lập năm 2012 bởi Rocket Internet. Sàn hiện đang thuộc quyền sở hữu của Alibaba Group. Lazada chính thức “chào sân” thị trường Việt Nam vào 2012. Đây là một trong những sàn thương mại điện tử đứng đầu Đông Nam Á. Lazada hoạt động tại nhiều quốc gia như Indonesia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Sàn cung cấp cho người tiêu dùng đa dạng sản phẩm trải từ thời trang, điện tử đến đồ gia dụng.

Lazada cạnh tranh mạnh mẽ với các sàn thương mại điện tử hàng đầu ở Việt Nam và nổi bật với dịch vụ LazMall với số lượng lớn thương hiệu chính hãng. Lazada cũng cung cấp Lazada Wallet, giúp người tiêu dùng online có thể thanh toán dễ dàng và nhanh chóng. Bên cạnh đó, sàn thương mại điện tử này cũng không hề kém cạnh với Shopee khi liên tục tung ra các chương trình khuyến mãi lớn như Lazada Birthday Sale, 11.11 và 12.12.

Lazada hiện đang phát triển theo mô hình B2C (Business to Consumer) và C2C (Consumer to Consumer). Hơn cả một nền tảng mua sắm trực tuyến, Lazada còn đi kèm các dịch vụ như Lazada Logistics và Lazada eLogistics để hỗ trợ vận chuyển và giao hàng.

TikTok Shop

TikTok Shop

TikTok Shop là một cái tên “sinh sau đẻ muộn” khi so với các sàn còn lại trong danh sách nhưng có tốc độ tăng trưởng đáng gờm. Sàn thương mại điện tử này được ra mắt lần đầu tiên vào năm 2021 và đã nhanh chóng thâm nhập thị trường Việt Nam. TikTok Shop được tích hợp trực tiếp trong ứng dụng TikTok, một mạng xã hội với các video ngắn và hình ảnh. Đây là một sự kết hợp sáng tạo giữa mạng xã hội với nội dung giải trí và thương mại điện tử.

Chỉ sau 4 năm vận hành tại Việt Nam, TikTok Shop đã nhanh chóng chiếm đến 22% thị phần tính đến Q2/2024 (theo VNS), chỉ sau “ông lớn” Shopee. TikTok Shop nổi bật nhờ vào sự kết hợp của video ngắn, livestream và mua sắm trên thiết bị di động. Người mua có thể nhanh tay “chốt deal” ngay khi xem video.

TikTok Shop hoạt động với mô hình B2C (Business to Consumer) và C2C (Consumer to Consumer). Bên cạnh việc là một nền tảng mua sắm, TikTok Shop còn là một công cụ mạnh mẽ cho các nhà sáng tạo nội dung và doanh nghiệp tiếp cạnh khách hàng. Sàn thương mại điện tử này cũng nhanh chóng cập nhật nhiều công cụ hỗ trợ bán hàng và quản lý đơn hàng để hỗ trợ người kinh doanh.

Tiki

sàn thương mại điện tử Made in Vietnam Tiki

Tiki là một sàn thương mại điện tử “Made in Vietnam” được thành lập vào năm 2010 bởi ông Trần Ngọc Thái Sơn. Xuất phát điểm là một website bán sách tiếng Anh, Tiki đã nhanh chóng mở rộng thành một sàn thương mại điện tử với hàng triệu sản phẩm từ nhiều ngành hàng khác nhau.

Điểm nổi bật của Tiki chính là ở việc Tiki là sàn thương mại điện tử tiên phong cho dịch vụ giao hàng nhanh chóng. Cụ thể hơn, Tiki đặc biệt nhấn mạnh tính năng TikiNOW cho phép người mua nhận hàng hỏa tốc trong vòng 2 giờ. Như Shopee hay Lazada, Tiki cũng có chương trình Tiki Trading, nơi tập trung các sản phẩm chính hãng từ các thương hiệu uy tín. Bên cạnh đó, Tiki cũng đẩy mạnh các chương trình khuyến mãi lớn như Tiki Sale, Tiki Black Friday và Tiki 11.11.

Tiki vận hành dựa trên nền tảng B2C (Business to Consumer) và C2C (Consumer to Consumer). Tuy nhiên định hướng của Tiki chủ yếu tập trung vào nền tảng B2C. Tiki đã trở thành một cái tên quen thuộc đặc biệt với dịch vụ mua sách chính hãng từ nhà xuất bản.

Sendo

Sendo

Được thành lập năm 2012, Sendo là sàn thương mại điện tử thuộc Công ty Cổ phần Công nghệ Sen Đỏ, một thành viên của Tập đoàn FPT. Sendo cũng đem đến cho người tiêu dùng đa dạng sản phẩm ở các gian hàng online và đặc biệt nổi tiếng với các sản phẩm nông sản. Với dịch vụ Sendo Farm, người tiêu dùng có thể dễ dàng tìm mua các sản phẩm nông sản sạch và an toàn với giá cả phải chăng.

Hiện Sendo đang phát triển dựa trên mô hình B2C (Business to Consumer) và C2C (Consumer to Consumer). Để giữ được sự cạnh tranh, Sendo cũng có nhiều chương trình ưu đãi nổi bật như Black Friday hay Lễ độc thân 11/11.

Các sàn thương mại điện tử quốc tế nổi bật

Amazon

Amazon

“Gã khổng lồ” trong thương mại điện tử là cái tên được dành riêng cho Amazon. Sàn thương mại điện tử này được thành lập năm 1997 bởi Jeff Bezos và đã nhanh chóng trở thành một sàn mua sắm trực tuyến lớn nhất thế giới. Amazon xuất phát từ một cửa hàng sách trực tuyến sau đó đa dạng hóa các sản phẩm với nhiều ngành hàng khác nhau.

Amazon hiện đang hoạt động theo mô hình B2C (Business to Consumer) và D2C (Direct to Consumer). Người tiêu dùng có thể tìm thấy hàng triệu sản phẩm từ sách, điện tử, thời trang đến hàng gia dụng và thực phẩm trên website của Amazon.

eBay

sàn thương mại điện tử quốc tế ebay

eBay là sàn thương mại điện tử được thành lập vào năm 1995 bởi Pierre Omidyar. Bản chất của eBay là một nền tảng đấu giá và bán lẻ quốc tế. Với eBay, người dùng có thể mua bán hàng hóa mới và đã qua sử dụng thông qua các phiên đấu giá trực tuyến.

Về mô hình hoạt động, eBay hoạt động theo C2C (Consumer to Consumer) và B2C (Business to Consumer). Sàn thương mại điện tử này đã tạo điều kiện cho hàng triệu cá nhân và doanh nghiệp tham gia kinh doanh mà không đòi hỏi quy trình phức tạp.

Alibaba

Alibaba

Alibaba là một sàn thương mại điện tử thành lập năm 1999 thuộc quyền sở hữu của Alibaba, một công ty công nghệ đa quốc gia của Trung Quốc. Đây là sàn thương mại điện tử B2B lớn nhất thế giới. Alibaba là cầu nối giữa các nhà sản xuất và nhà cung cấp trên toàn cầu để giao dịch với số lượng lớn. Sàn thương mại điện tử gốc Trung Hoa này cũng có các nền tảng B2C như Tmall hay C2C như Taobao để mở rộng phạm vi hoạt động của mình.

Etsy

sàn tmđt etsy

Etsy là một sàn thương mại điện tử của Hoa Kỳ thành lập năm 2005 bởi doanh nhân Rob Kalin và các đối tác. Sàn Etsy chuyên về các sản phẩm đồ thủ công, đồ vintage cùng các mặt hàng động quyền khác.

Etsy là một cái tên tiêu biểu cho mô hình C2C (Consumer to Consumer) và B2C (Business to Consumer), nhưng đặc biệt là mô hình C2C. Trên sàn thương mại điện tử này, các nghệ nhân hay các doanh nghiệp thủ công vừa và nhỏ có thể trực tiếp bán sản phẩm của mình tới khách hàng trên toàn cầu.

Taobao

sàn thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc Taobao

Taobao là sàn thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc và thuộc sở hữu của Alibaba Group. Taobao hoạt động theo mô hình C2C (Consumer to Consumer) và B2C (Business to Consumer) và đặc biệt là mô hình C2C. Taobao cho phép người dùng mua bán hàng hóa mới và đã qua sử dụng.

Với Taobao, người mua có thể tìm kiếm các sản phẩm đa dạng từ thời trang, điện tử, đồ gia dụng đến các sản phẩm thủ công và độc đáo. Sàn cũng tích hợp nhiều tính năng hỗ trợ người bán như quảng cáo, phân tích dữ liệu và dịch vụ chăm sóc khách hàng.

Xu hướng phát triển của sàn thương mại điện tử trong tương lai

Tích hợp trí tuệ nhân tạo và công nghệ tự động hóa

Các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada,… hiện đang nhanh chóng tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) để nâng cao trải nghiệm cho người dùng. AI giúp các sàn thương mại điện tử cá nhân hóa đề xuất sản phẩm cũng như tối ưu quy trình vận chuyển và quản lý kho hàng.

Ngoài ra, không khó để chúng ta có thể thấy hầu hết các sàn thương mại điện tử hiện nay đều có sẵn tính năng chatbot chăm sóc khách hàng. Điều này giúp các sàn thương mại điện tử không chỉ tối ưu chi phí mà còn có thể hỗ trợ khách hàng 24/7. AI hứa hẹn sẽ đem tới nhiều đột phá cho thương mại điện tử.

Mua sắm trên di động ngày càng tăng

Các sàn thương mại điện tử bên cạnh tối ưu giao diện web cho PC ngày càng đẩy mạnh việc tối ưu cho màn hình di động như điện thoại hay máy tính bảng. Bên cạnh đó, nhu cầu về thanh toán di động cũng ngày càng tăng với đa dạng hình thức thanh toán hơn.

Xu hướng Mua trước – Trả sau (Buy Now Pay Later)

Một ví dụ điển hình cho xu hướng mua trước – trả sau chính là dịch vụ SpayLater của sàn thương mại điện tử Shopee. Các dịch như vậy cho phép người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận các sản phẩm mà không cần thanh toán ngay lập tức. Đây chính là một xu hướng phổ biến trong thương mại điện tử và hứa hẹn sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai.

Tổng kết

Trên đây là toàn bộ những gì bạn cần biết về các sàn thương mại điện tử. Hy vọng bài viết đã giúp ích cho bạn trong quá trình tìm hiểu các thông tin về sàn thương mại điện tử từ khái niệm, loại hình, các sàn nổi tiếng và xu hướng trong tương lai.

Ngoài ra, nếu bạn muốn được tư vấn thêm về phát triển website thương mại điện tử với hiệu quả tối ưu cho doanh nghiệp của bạn, hãy liên hệ ngay với BSS Commerce nhé!

BSS Commerce là đối tác chính thức của Shopify và Adobe Commerce (Magento) tại Việt Nam, sở hữu đội ngũ chuyên gia tư vấn nhiều năm kinh nghiệm với mong muốn đem đến những giải pháp website eCommerce tốt nhất cho các doanh nghiệp Việt Nam. BSS Commerce đã có nhiều năm kinh nghiệm cung cấp giải pháp và đồng hành cùng doanh nghiệp triển khai thương mại điện tử.

Leave a comment