Skip links

WooCommerce và Magento: Nền tảng nào là phù hợp cho Doanh nghiệp của bạn?

Với sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, xu hướng mua bán trực tuyến đang thống lĩnh và dường như là vị “cứu tinh” của thị trường bán lẻ. Trước khi xây dựng một cửa hàng trực tuyến, điều đầu tiên bạn cần làm là chọn một nền tảng thương mại điện tử phù hợp.
WooCommerce và Magento là hai nền tảng thương mại điện tử phổ biến hiện nay với nhiều tính năng đặc biệt. Giữa hai nền tảng này, sẽ rất khó khăn khi đưa ra lựa chọn. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ giúp bạn so sánh chi tiết nhất về WooCommerce và Magento, từ đó có thể giúp bạn xác định được doanh nghiệp của bạn phù hợp với nền tảng thương mại điện tử nào để sử dụng.

Bên cạnh đó, tải ngay Ebook về lộ trình Xây dựng website TMĐT cho doanh nghiệp với những thông tin toàn diện, hiệu quả nhất cho quá trình ra quyết định trở nên dễ dàng. Link tải Ebook!

WooCommerce và Magento là nền tảng thương mại điện tử phổ biến hiện nay
WooCommerce và Magento là nền tảng thương mại điện tử phổ biến hiện nay

Tổng quan về WooCommerce và Magento

Trước khi so sánh chi tiết về hai nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) WooCommerce và Magento, chúng ta cần hiểu mỗi nền tảng có đặc điểm gì độc đáo so với những đối thủ khác:

WooCommerce 

WooCommerce từ đầu là một plugin mạnh mẽ giúp bổ sung tính năng cho WordPress, được ra mắt vào năm 2011, hiện nay WooCommerce đang lưu trữ hơn 4,7 triệu trang web trên toàn cầu. Để làm việc với WooCommerce, bạn cần có domain riêng và một trang WordPress, sau đó mới có thể cài đặt  plugin WooCommerce trên WordPress. Chính vì chạy trên WordPress nên WooCommerce sẽ giúp bạn truy cập số lượng lớn plugin, đồng thời sở hữu các chủ để từ WordPress, giúp doanh nghiệp của bạn ngày càng phát triển hơn.

Magento 

Magento ra đời năm 2007, với 2 phiên bản Magento Open Source vs Magento Commerce, nay được gọi là Adobe Commerce. Đây là nền tảng thương mại điện tử mã nguồn mở, giúp người sử dụng có thể tạo nên cửa hàng trực tuyến với nhiều ưu điểm về tính năng, dễ sử dụng và cho phép tùy chỉnh không giới hạn. Theo nhiều nghiên cứu, có hơn 750.000 trang web là khách hàng của Magento, 205.249 trang web trực tiếp sử dụng Magento. Bạn có thể lựa chọn phiên bản phù hợp, bao gồm miễn phí hoặc có trả phí phục thuộc vào nhu cầu của doanh nghiệp.

Lựa chọn nền tảng TMĐT phù hợp giúp doanh nghiệp phát triển tốt hơn

So sánh WooCommerce và Magento 

WooCommerce và Magento đều là những nền tảng TMĐT mã nguồn mở, nằm trong top đầu các nền tảng phổ biến hiện nay và có mục đích chung là cung cấp môi trường thương mại năng động. Tuy nhiên, cũng có những khác biệt đáng kể giữa hai nền tảng này. Hãy đi sâu tìm hiểu, so sánh chi tiết về các yếu tố như tính năng, tiện ích mở rộng, giá cả, tốc độ… của mỗi nền tảng ngay dưới đây:

Các tính năng và chức năng chính

Cả Magento và WooCommerce đều có những tính năng nổi bật, dưới đây là bảng so sánh các tính năng tương đồng giữa hai nền tảng này xem có điều gì khác biệt:

Yếu tố so sánhMagentoWooCommerce
Lưu trữCả hai phiên bản Magento Open Source và Adobe Commerce đều tự lưu trữ. Phiên bản Adobe Commerce Cloud có dịch vụ lưu trữ chuyên dụngTự lưu trữ
Quản lý sản phẩmQuản lý được số lượng lớn sản phẩm và danh mục phức tạpHạn chế trong việc quản lý số lượng lớn sản phẩm trong website thương mại điện tử
Quản lý đơn hàngCó thể quản lý khối lượng đơn hàng lớnKiểm soát sản phẩm đơn giản, biến thể trên mỗi trang
Quản lý nhiều cửa hàngĐược hỗ trợCần có plug-in
Tính năng B2BĐược hỗ trợ đối với nền tảng Magento và Commerce CloudCần có plug-in
Khả năng CMSKhả năng CMS yếu đối với các trang web có dung lượng lớnPhù hợp với các trang tập trung vào nội dung

Ngoài những tính năng trên, nền tảng Magento còn có khả năng tìm kiếm danh mục nâng cao, email nhắc nhở, thẻ quà tặng… Bên cạnh đó, những doanh nghiệp B2B có nhiều thuận lợi khi sử dụng Magento vì tích hợp các tính năng như tài khoản công ty, đặt hàng nhanh, báo giá, tài khoản công ty…. Trong khi đó, WooCommerce không có quá nhiều chức năng như các nền tảng khác.

Cần xem xét kỹ các tính năng của từng nền tảng trước khi lựa chọn
Cần xem xét kỹ các tính năng của từng nền tảng trước khi lựa chọn

SEO & tiếp thị

Trong kinh doanh, tiếp thị là yếu tố giúp tiếp cận các khách hàng tiềm năng, tăng doanh thu và tạo dựng thương hiệu. Đối với những doanh nghiệp triển khai thương mại điện tử, việc sử dụng một nền tảng có tích hợp SEO sẽ giúp tiếp cận khách hàng nhanh chóng hơn. SEO & tiếp thị cụ thể của từng nền tảng như sau:

  • WooCommerce: Do là một plugin dựa trên WordPress, do đó khả năng SEO của WooCommerce khá giống với WordPress. Khi sử dụng nền tảng này bạn đã sở hữu nhiều chức năng giúp tiếp thị nội dung đến khách hàng tiềm năng một cách nhanh chóng và hiệu quả.
  • Magento: Magento được tích hợp bộ công cụ SEO giúp thúc đẩy thứ hạng của website TMĐT. Nền tảng này cũng có hệ thống tiếp thị chuyên nghiệp với các chương trình khuyến mãi, thu thập dữ liệu của khách hàng…  Để tối ưu hóa SEO đối với website sử dụng nền tảng Magento cần cập nhật phiên bản mới nhất, tối ưu hóa URL, tối ưu hóa hình ảnh, cải thiện tốc độ trang web…

Giá cả

Để đưa ra lựa chọn sử dụng một trong hai nền tảng WooCommerce và Magento, chi phí cũng là yếu tố quan trọng mà chủ doanh nghiệp quan tâm hàng đầu. Có sự khác biệt đáng kể giữa một nền tảng TMĐT độc lập và một nền tảng là một plugin cho các trang WordPress. 

WooCommerce hoàn toàn miễn phí với các tính năng cơ bản, trong khi đó Magento chỉ miễn phí đối với phiên bản Magento Open Source. Những tính năng cao cấp hơn hoặc lưu trữ thêm dữ liệu thì cần phải trả phí. Cùng phân tích sâu hơn về chi phí của hai nền tảng này:

  • Chi phí của Magento: Chi phí tương đối cao đồng nghĩa với việc nền tảng này cung cấp nhiều giá trị cho doanh nghiệp. Hiện tại, Magento có 3 phiên bản:

– Magento Open Source: Là phiên bản miễn phí bạn cần phải trả tiền cho dịch vụ lưu trữ (khoảng 10$/tháng), tiện ích mở rộng…

– Magento Commerce: Cung cấp các tính năng chuyên sâu hơn, phù hợp với doanh nghiệp lớn. Giá sẽ được tính toán dựa trên doanh thu bán hàng năm (GSR).

– Magento Commerce Cloud: Magento Enterprise là nền tảng được lưu trữ tự động. Bao gồm các tính năng của những phiên bản trước và nhiều tính năng bổ sung, đảm bảo tính bảo mật. Chi phí có thể đươc tính dựa trên nhu cầu từng doanh nghiệp cụ thể.

Chi phí xây dựng nền tảng thương mại điện tử phụ thuộc vào nhiều yếu tố
Chi phí xây dựng nền tảng thương mại điện tử phụ thuộc vào nhiều yếu tố
  • WooCommerce có chi phí thấp: So với Magento thì chi phí của WooCommerce rẻ hơn. Đây là nền tảng miễn phí, tuy nhiên bạn vẫn phải trả phí cho một số dịch vụ như:

– Domain, hosting:  Dao động trong khoảng 9$/tháng. 

– Thiết kế website, chủ đề: Dao động trong khoảng 50-100$/tháng. 

– Plugin & tiện ích mở rộng: Dao động trong khoảng 25$/tháng. 

Khả năng mở rộng

Những doanh nghiệp đi lên từ cửa hàng nhỏ, đến khi phát triển cần thiết kế website có chất lượng tốt hơn, lúc này cần thiết phải có một nền tảng phù hợp khả năng mở rộng. Cả hai nền tảng WooCommerce và Magento đều có khả năng mở rộng với các tính năng bổ sung từ các nhà cung cấp, cụ thể như sau:

  • Khả năng mở rộng của WooCommerce: Bạn hoàn toàn có thể kết nối nền tảng này với những bên thứ ba. Để đưa website của bạn lên một “tầm cao” mới thì có nhiều plugins mở rộng WooCommerce như WooCommerce Currency Switcher, WooCommerce Product Filter WooCommerce PDF Invoices…
  • Khả năng mở rộng của Magento: Magento Marketplace hiện đang có 3751 tiện ích mở rộng, trong đó 1182 tiện ích có sẵn miễn phí. Một số tiện ích của Magento được đánh giá khá hiệu quả đó là MageMonkey (cải thiện hiệu quả giao tiếp với khách hàng),  thanh toán một trang, AddShopper…

Tốc độ và hiệu suất

Tốc độ tải trang là vấn đề lớn đối với các website, đặc biệt là những trang TMĐT. Nếu mất quá nhiều thời gian cho việc tải trang, khách hàng có thể sẽ rời đi để chuyển sang các đối thủ khác. Đây chính là trải nghiệm không tốt đối với bất cứ đối tượng khách hàng nào. Để đánh giá về hiệu suất của một trang TMĐT còn phụ thuộc vào khả năng lưu trữ, quy mô, nền tảng đang áp dụng, bên cạnh đó còn có những vấn đề như tối ưu hóa hình ảnh, nội dung…

Tối ưu tốc độ tải trang giúp đem lại trải nghiệm tốt cho khách hàng
Tối ưu tốc độ tải trang giúp đem lại trải nghiệm tốt cho khách hàng

Tuy nhiên, để so sánh giữa hai nền tảng này thì Magento có tốc độ tải trang tốt hơn so với WooCommerce. Theo đánh giá của Quanta, thời gian tải trang trung bình của Magento mất khoảng 0,73s, trong khi đó WooCommerce mất đến 0,99s. Đặc biệt, đến bước tải giỏ hàng, WooCommerce mất 1,32s để truy cập, Magento chỉ mất khoảng 0,57s. 

Nguyên nhân của điều này đó là khi sử dụng nền tảng WooCommerce – plugin độc lập, khó có thể cải thiện hiệu suất của các trang web WordPress nếu bạn không cài đặt các plugin bổ sung. Đặc biệt khi các tính năng của WooCommerce chỉ ở mức độ cơ bản nên cần nhiều plugin bổ sung hơn, điều này sẽ làm giảm tốc độ tải trang và hiệu suất.

Bảo mật

Thực tế cho thấy, các trang web TMĐT là mục tiêu của nhiều đối tượng có ý định đánh cắp thông tin của khách hàng, đặc biệt là những thông tin liên quan đến thanh toán. Do đó, các doanh nghiệp cần lựa chọn nền tảng TMĐT có tính bảo mật tốt. Cùng so sánh khả năng bảo mật giữa hai nền tảng này:

  • Magento: Magento hỗ trợ bảo mật SSL và có chứng nhận PCI. Đây là nền tảng được đánh giá có khả năng bảo mật cao so với những nền tảng TMĐT khác. Các website của nền tảng này cũng được cập nhật thường xuyên để đảm bảo khả năng bảo mật cao nhất. Đối với các phiên bản chỉnh sửa, nâng cấp của Magento khá khó sử dụng nên người mới làm quen với TMĐT sẽ gặp một vài khó khăn. 
  • WooCommerce: WooCommerce cung cấp một số tiện ích mở rộng để bạn có thể cải thiện tính bảo mật của trang TMĐT của mình. Tuy nhiên, vì WooCommerce dựa trên WordPress nên khả năng bảo mật của WooCommerce cũng sẽ ảnh hưởng. Cụ thể, theo một số thống kê cho thấy 51% các trang web WordPress bị tấn công do những lỗ hổng về chủ đề và plugin đang sử dụng.
Nên lựa chọn nền tảng thương mại điện tử có tính bảo mật cao
Nên lựa chọn nền tảng thương mại điện tử có tính bảo mật cao

Dễ sử dụng

Hầu hết các chủ doanh nghiệp sở hữu trang TMĐT đều không phải những người có quá nhiều chuyên môn về lập trình. Do đó, họ luôn tìm kiếm những nền tảng TMĐT dễ sử dụng và thiết lập. Cùng đánh giá xem giữa WooCommerce và Magento loại nào sử dụng dễ dàng hơn:

  • Magento: Magento là nền tảng TMĐT tích hợp đa dạng các tính năng, đi kèm với đó là khả năng thiết lập nâng cao và ngôn ngữ cài đặt thường hướng tới các nhà phát triển website (có kiến thức về code, HTML, hosting). Do đó, những người mới sẽ gặp đôi chút khó khăn. Cách tốt nhất là bạn nên có một đội ngũ kỹ thuật riêng hoặc tìm sự hỗ trợ từ những đơn vị có kinh nghiệm.
  • WooCommerce: Để làm việc với WooCommerce, trước tiên bạn cần có domain riêng, trang WordPress hoàn chỉnh, tiếp theo cài đặt plugin WooCommerce. Sau khi đã kích hoạt plugin WooCommerce trên website, bạn sẽ thấy hướng dẫn cụ thể, chọn các thông số chính trên màn hình và cài đặt WooCommerce chỉ trong vài giây. 

Qua nhũng phân tích trên bạn có thể thấy WooCommerce dễ sử dụng hơn so với Magento. WooCommerce có giao diện đơn giản và khả năng tùy chỉnh dễ dàng theo bảng điều khiển WordPress. Đối với những chủ doanh nghiệp chưa có quá nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực thương mại điện tử thì đây chính là điểm cộng nhỏ cho WooCommerce.

Hỗ trợ

WooCommerce và Magento đều là những nền tảng mã nguồn mở thu hút số lượng lớn người sử dụng trên khắp thế giới. Đối với Magento có nhiều phiên bản, trong quá trình hoạt động nếu có bất cứ trục trặc nào, bạn cũng nhận được sự hỗ trợ. Tùy vào từng phiên bản mà mức độ hỗ trợ sẽ khác nhau:

– Phiên bản Magento Open Source (miễn phí), thường sẽ tìm kiếm sự trợ giúp thông qua các diễn đàn cộng động Magento. 

– Những người dùng Magento Commerce (có trả phí) sẽ nhận được hỗ trợ từ đội ngũ chăm sóc từ hãng, bao gồm email hướng dẫn hay hỗ trợ trực tiếp.

Tương tự với Magento, WooCommerce cũng có hình thức hỗ trợ tùy thuộc vào các gói mà khách hàng đang sử dụng. Thông thường, khách hàng có thể tham khảo các tài liệu hướng dẫn, tham gia các Support forum để được giải đáp bởi đội ngũ của WooCommerce đối với những người sử dụng phiên bản miễn phí. Những người dùng gói Premium hoặc Business sẽ được hỗ trợ bằng Live Chat.

Magento có đội ngũ hỗ trợ trực tiếp nếu bạn có bất cứ trục trặc nào khi sử dụng
Magento có đội ngũ hỗ trợ trực tiếp nếu bạn có bất cứ trục trặc nào khi sử dụng

Tiện ích mở rộng và Plugin

Nền tảng thương mại nào cũng có những hạn chế nhất định, do đó các tiện ích mở rộng và plugin xuất hiện sẽ đáp ứng nhu cầu tùy chỉnh, nâng cao trang TMĐT tốt hơn. WooCommerce và Magento đều có hệ thống hàng nghìn tiện ích, plugin:

  • Magento: Những người sử dụng phiên bản miễn phí của Magento hoàn toàn yên tâm vì có thể mua các tiện ích mở rộng tại Magento Marketplace. Có đến 3.600 tiện ích mở rộng (miễn phí hoặc phải trả phí), tất cả đều được kiểm tra nghiêm ngặt bởi đội ngũ kỹ thuật của Magento. 
  • WooCommerce: WooCommerce chạy trên WordPress, do đó bạn có thể tiếp cận với hơn 56.000 plugin WordPress, trong đó có khoảng 400 tiện ích mở rộng được thiết kế riêng cho WooCommerce. Đồng thời bạn sẽ kết nối được với dịch vụ của bên thứ ba để xây dựng plugin cho website.

Sau khi so sánh giữa WooCommerce và Magento, các doanh nghiệp sẽ đánh giá và lựa chọn được nền tảng thương mại điện tử thích hợp. Dưới đây là bảng tổng kết so sánh theo các tiêu chí tính năng, SEO, giá cả, hiệu suất, bảo mật, dễ sử dụng, tiện ích mở rộng…

Các yếu tốĐứng thứ nhấtĐứng thứ hai
Các tính năngMagentoWooCommerce
SEO & Tiếp thịMagentoWooCommerce
Giá cảWooCommerceMagento
Khả năng mở rộngMagentoWooCommerce
Tốc độ và hiệu suấtMagentoWooCommerce
Bảo mậtMagentoWooCommerce
Dễ sử dụngWooCommerceMagento
Hỗ trợMagentoWooCommerce
Tiện ích mở rộng và PluginMagentoWooCommerce

WooCommerce và Magento: Doanh nghiệp nên sử dụng Nền tảng thương mại điện tử nào?

WooCommerce và Magento đều là những nền tảng thương mại điện tử có ích cho các doanh nghiệp hiện nay. Tuy nhiên, việc lựa chọn giữa một trong hai nền tảng là điều khá khó khăn. Nguyên nhân do mỗi một nền tảng sẽ phù hợp với từng nhu cầu, mục tiêu và quy mô doanh nghiệp khác nhau. Bạn cần xem xét kỹ càng từng khía cạnh để đưa ra những quyết định phù hợp nhất. 

Tùy thuộc vào quy mô doanh nghiệp mà lựa chọn nền tảng TMĐT phù hợp
Tùy thuộc vào quy mô doanh nghiệp mà lựa chọn nền tảng TMĐT phù hợp

WooCommerce hiệu quả hơn đối với các doanh nghiệp quy mô nhỏ có nhu cầu ở mức trung bình về khả năng mở rộng, chức năng bảo mật…. hoặc mới bước chân vào hoạt động thương mại điện tử. Đây là nền tảng đơn giản, dễ sử dụng, đặc biệt là những người đã quen thuộc với WordPress. WooCommerce có các chức năng eCommerce cơ bản, các chức năng phức tạp hơn thì cần sử dụng extension hoặc plugins.

Không thể phủ nhận WooCommerce có chi phí phải chăng hơn nền tảng Magento. Tuy nhiên, khả năng lưu trữ dữ liệu, mở rộng của WooCommerce khá hạn chế nếu số lượng khách hàng và quy mô doanh nghiệp của bạn phát triển. Do đó, đối với những doanh nghiệp có quy mô trung bình, lớn (số lượng hàng hóa, danh mục sản phẩm và lượt truy cập hàng ngày lớn) cần sử dụng các nền tảng có các tính năng eCommerce đa dạng thì Magento chính là sự lựa chọn phù hợp. Ngoài ra, nếu bạn đã có mục tiêu phát triển và mở rộng doanh nghiệp rõ ràng thì đây cũng là chọn lựa sáng suốt.

Đọc thêm: 10 Lý do chọn nền tảng Magento cho website thương mại điện tử

Lời Kết 

Hy vọng qua bài viết này bạn có thể phân biệt giữa WooCommerce và Magento, từ đó có thể lựa chọn nền tảng thương mại điện tử phù hợp nhất cho doanh nghiệp của mình. Nếu có bất cứ thắc mắc nào khác về các nền tảng thương mại, hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn

Leave a comment