Mô hình thương mại điện tử B2B đang trên đà phát triển với những tiềm năng vô cùng lớn cho các doanh nghiệp. Bài viết sau đây sẽ cung cấp một số thông tin tổng quan về thị trường B2B cũng như các xu hướng mà doanh nghiệp có thể tham khảo để áp dụng vào việc kinh doanh của mình.
1. Tổng quan về thương mại điện tử B2B
Thương mại điện tử B2B là gì?
Thương mại điện tử B2B, viết tắt của business to business, được định nghĩa là việc mua bán hàng hóa hoặc dịch vụ giữa các doanh nghiệp thông qua các kênh trực tuyến. Thay vì nhận đơn đặt hàng theo cách truyền thống, các giao dịch được thực hiện bằng kỹ thuật số, giúp giảm thiểu một lượng lớn chi phí.
Các mô hình thương mại điện tử B2B
- Bán buôn (Wholesale)
Thương mại điện tử B2B bán buôn liên quan đến việc bán hàng số lượng lớn trực tuyến cho các doanh nghiệp khác. Ví dụ, một cửa hàng tạp hóa mua số lượng lớn hàng để bán trực tuyến cho khách hàng. Người bán buôn là người trung gian trong giao dịch này vì họ đã mua các mặt hàng với số lượng lớn từ nhà sản xuất.
- Nhà sản xuất (Manufacturers)
Thông thường, các nhà sản xuất thường bán hàng cho các nhà bán buôn hoặc bán lẻ thông qua các kênh truyền thống, nhưng sự tiện lợi của mô hình thương mại điện tử đã khiến mô hình này trở nên hấp dẫn hơn trong mắt các nhà sản xuất.
- Nhà phân phối (Distributor)
Nhà phân phối về cơ bản là người trung gian giữa nhà sản xuất và người bán buôn, hoặc giữa người bán buôn và người bán lẻ. Họ có thể là nhà phân phối phụ tùng ô tô cho các ga ra, hoặc nhà phân phối sơn cho các cửa hàng nội thất.
Đọc thêm: Các mô hình thương mại điện tử điển hình ở Việt Nam và Thế giới
Bên cạnh đó, tải ngay Ebook về lộ trình Xây dựng website TMĐT cho doanh nghiệp với những thông tin toàn diện, hiệu quả nhất cho quá trình ra quyết định trở nên dễ dàng. Link tải Ebook!
Những lợi ích của mô hình thương mại điện tử B2B
- Dễ dàng tìm kiếm khách hàng
Trang web thương mại điện tử B2B với các trang danh mục công khai là một cách hiệu quả để tiếp cận khách hàng B2B mới. Bằng cách thiết lập một trang thương mại điện tử, bạn có thể sử dụng các chiến lược tiếp thị kỹ thuật số như SEO, SEM để tăng phạm vi tiếp cận của mình.
- Quản lí thông tin hiệu quả
Mô hình thương mại điện tử B2B cung cấp khả năng quản lý tốt hơn cho cả nhà cung cấp và khách hàng. Chuyển sang nền tảng kỹ thuật số nghĩa là bạn có thể sử dụng một phần mềm quản lý doanh nghiệp. Việc này sẽ cung cấp cho bạn dữ liệu về hành vi mua sắm của khách hàng. Bạn sẽ có thể sử dụng thông tin này để tạo trải nghiệm mua sắm tốt hơn cho khách hàng.
- Phân tích dữ liệu nhanh chóng
Các nền tảng thương mại điện tử B2B thông thường sẽ cung cấp tính năng để doanh nghiệp có thể tiếp cận số liệu bán hàng. Với các số liệu này, doanh nghiệp có thể đưa ra các quyết định kinh doanh tốt hơn. Bạn có thể tạo nhiều loại báo cáo khác nhau để hiểu hoạt động kinh doanh của mình đang tiến triển như thế nào.
2. Ví dụ về doanh nghiệp ứng dụng mô hình thương mại điện tử B2B
Một trong những doanh nghiệp tiêu biểu đã và đang ứng dụng mô hình B2B để mở rộng kinh doanh là Grab. Phần lớn người tiêu dùng đều biết đến Grab là ứng dụng đặt xe cho nhu cầu đi lại cá nhân. Thế nhưng, ít ai biết rằng, Grab đã âm thầm tìm kiếm những khách hàng tiềm năng là doanh nghiệp và giới thiệu họ sử dụng Grab for business. Hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp đang sử dụng Grab for business để phục vụ nhu cầu di chuyển của nhân viên mỗi khi được cử đi công tác. Ngoài ra, họ còn phát triển ứng dụng giao hàng cho công ty để mở rộng thêm thị trường của mình. Nhờ việc ứng dụng mô hình thương mại điện tử B2B này, Grab đã mở rộng được thị trường của mình. Ngoài những người dùng cá nhân, ứng dụng còn có một lượng khách hàng cố định đến từ các doanh nghiệp.
Hiểu được những lợi ích khi tham gia vào mô hình thương mại điện tử B2B, vậy các doanh nghiệp cần nắm bắt được những xu hướng gì để theo kịp với thị trường này? Phần tiếp theo sẽ đề cập đến một số xu hướng tiêu biểu mà các doanh nghiệp cần lưu ý.
3. Các xu hướng thương mại điện tử B2B năm 2021
Xây dựng website thương mại điện tử
Việc các doanh nghiệp có một trang web để khách hàng có thể truy cập và tìm hiểu thêm thông tin mua hàng đã trở nên quá phổ biến trong thời đại hiện nay. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng chú trọng việc xây dựng website thương mại điện tử tích hợp với tính năng mua hàng dễ thao tác. Vì vậy, các doanh nghiệp B2B nên quan tâm đến khía cạnh này hơn nhằm cải thiện trải nghiệm mua sắm của khách hàng.
Đọc thêm: 10 bước để xây dựng website thương mại điện tử và 10 tích hợp cần thiết
Bán hàng trên marketplace
Các nền tảng mua sắm online ngày càng phát triển và có đông đảo người dùng là một thị trường tiềm năng cho các doanh nghiệp B2B. Hiện nay, có những sàn thương mại điện tử dùng cho doanh nghiệp B2B như Sendo, Lazada, Tiki,… mà các doanh nghiệp có thể cân nhắc tham gia để tiếp cận được nhiều khách hàng mục tiêu hơn.
Sử dụng Chatbot
Chatbot là phần mềm được lập trình để trả lời một số câu hỏi của khách hàng một cách tự động, ngoài ra chatbot còn có thể nhắc nhở khách hàng về thông tin khuyến mãi hay các ưu đãi đặc biệt. Chatbot giúp tiết kiệm một lượng lớn thời gian để trả lời những câu hỏi của khách hàng vì chúng được lập trình để tìm kiếm thông tin nhanh hơn nhân viên bán hàng, chưa kể chúng có thể làm việc 24/7.
Cải thiện UI/UX design
UI có thể hiểu đơn giản là giao diện của một trang web hay ứng dụng còn UX là trải nghiệm mua sắm của khách hàng. Bằng cách khiến các thao tác trên giao diện mua sắm trở nên dễ hiểu và nhanh chóng, khách hàng có thể có một trải nghiệm mua hàng dễ dàng hơn, điều này giúp doanh nghiệp tăng khả năng bán được sản phẩm.
Triển khai SEO cho website thương mại điện tử
SEO hay tối ưu hóa công cụ tìm kiếm không còn là một thuật ngữ xa lạ với các doanh nghiệp. Việc triển khai SEO một cách hiệu quả giúp doanh nghiệp có được thứ hạng tốt hơn trên các công cụ tìm kiếm, tăng khả năng tiếp cận với khách hàng tiềm năng.
Đọc thêm: 10 Xu hướng thúc đẩy SEO cho website thương mại điện tử 2021
Phân tích dữ liệu
Một trong những lợi thế lớn nhất của các website thương mại điện tử là những dữ liệu chi tiết về hành vi người tiêu dùng mà nó cung cấp. Những dữ liệu này sẽ là một động lực mạnh mẽ để người bán dựa vào và phát triển doanh nghiệp của mình. Nếu phân tích được insight của khách hàng, doanh nghiệp có thể tìm cách để đáp ứng được những nhu cầu này và từ đó đưa ra những quyết định mang tính chiến lược.
Đa dạng hóa phương thức thanh toán
Để đáp ứng nhu cầu cá nhân hóa và tạo sự tiện lợi cho nhiều khách hàng, các phương thức thanh toán mới cũng sẽ được giới thiệu. Nhiều công ty sẽ hợp lý hóa hệ thống thanh toán của họ để bắt đầu chấp nhận các khoản thanh toán thông qua những hinh thức mới như ví điện tử, ví dụ như momo, zalopay,…
Dropshipping
Dropshipping là một loại phương thức bán lẻ cho các cửa hàng trực tuyến. Thay vì nhập kho, người bán sẽ mua sản phẩm từ các bên thứ ba như nhà cung cấp khi có đơn đặt hàng. Các sản phẩm sau đó được vận chuyển trực tiếp đến tay người tiêu dùng. Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh toàn cầu làm gián đoạn hoàn toàn chuỗi cung ứng thương mại điện tử, dropshipping là một lựa chọn thay thế hoàn hảo. Ngoài ra, khi giao dịch thương mại điện tử tăng đáng kể trong thời gian này, một số nhà bán lẻ phải tranh thủ dịch vụ của các nhà cung cấp vì họ không có đủ khả năng để tự thực hiện các đơn đặt hàng.
Ngành công nghiệp B2B đang ngày càng phát triển mạnh mẽ và thay đổi liên tục. Với những tiến bộ trong công nghệ và những thay đổi về hành vi mua hàng, thương mại điện tử B2B nên tập trung nhiều hơn vào trải nghiệm của khách hàng. Nắm vững các xu hướng trong ngành công nghiệp B2B giúp các doanh nghiệp đưa ra quyết định chính xác và cải thiện việc kinh doanh của mình một cách dễ dàng hơn.
Tìm hiểu thêm về nền tảng thương mại điện tử cho doanh nghiệp B2B và B2C – Magento