Các mô hình kinh doanh thương mại điện tử đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc định hình cách thức mà doanh nghiệp tương tác và giao dịch với khách hàng trong thời đại số. Việc nắm vững các mô hình này sẽ giúp doanh nghiệp phát triển chiến lược kinh doanh hiệu quả, từ việc tăng cường trải nghiệm khách hàng đến việc giảm chi phí vận hành.
Trong bài viết hôm nay, BSS Commerce sẽ tổng hợp các mô hình kinh doanh thương mại điện tử phổ biến và những phương thức phân phối đi kèm.
Mô hình kinh doanh thương mại điện tử là gì?
Mô hình kinh doanh thương mại điện tử là khung hoạt động cốt lõi của một doanh nghiệp, giúp họ tổ chức các hoạt động kinh doanh trực tuyến một cách hiệu quả, từ đó tạo ra giá trị bền vững cho khách hàng. Một mô hình thương mại điện tử thành công sẽ làm nổi bật lợi thế cạnh tranh, đề xuất giá trị khác biệt và chiến lược giá phù hợp. Đồng thời, mô hình này còn đóng vai trò quan trọng trong việc xác định sản phẩm và dịch vụ mà công ty cung cấp, đối tượng khách hàng mục tiêu, cũng như các chi phí dự kiến trong tương lai.
Tại sao các mô hình kinh doanh thương mại điện tử lại quan trọng?
Mô hình kinh doanh là yếu tố then chốt trong cấu trúc của một doanh nghiệp, định hướng cho hoạt động và phát triển. Một mô hình phù hợp giúp doanh nghiệp thương mại điện tử:
- Hiểu biết về khách hàng: Xác định đối tượng mục tiêu và phân tích nhu cầu, từ đó điều chỉnh sản phẩm và dịch vụ để nâng cao trải nghiệm người dùng.
- Tạo động lực cho nhân viên: Mô hình rõ ràng giúp nhân viên hiểu mục tiêu và chiến lược, tăng cường sự gắn bó và hiệu quả làm việc.
- Thu hút đầu tư: Nhà đầu tư tìm kiếm mô hình khả thi và bền vững, một mô hình mạnh mẽ tạo niềm tin và thu hút vốn.
- Xây dựng lợi thế cạnh tranh: Mô hình độc đáo giúp doanh nghiệp nổi bật trong môi trường cạnh tranh khốc liệt.
- Tăng khả năng thích ứng: Mô hình cần linh hoạt để đáp ứng nhanh chóng với xu hướng mới, cho thấy doanh nghiệp có khả năng cải tiến và thích ứng tốt, điều này quan trọng cho việc huy động vốn và hợp tác.
Các mô hình kinh doanh thương mại điện tử phổ biến
B2B (Business to Business)
Thương mại giữa các doanh nghiệp (B2B) đề cập đến những giao dịch thương mại giữa hai doanh nghiệp với nhau. Các giao dịch bán buôn là những ví dụ điển hình cho loại hình này. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp cũng mở rộng kinh doanh các sản phẩm và dịch vụ B2B như một phần của mô hình thương mại điện tử hoặc trong các cửa hàng truyền thống.
Các mô hình B2B phổ biến:
- Mô hình B2B tập trung bên mua
- Mô hình B2B tập trung bên bán
- Mô hình B2B trung gian
- Mô hình B2B thương mại hợp tác
Ví dụ: Microsoft chuyên cung cấp phần mềm và dịch vụ đám mây cho doanh nghiệp. HubSpot cung cấp phần mềm tiếp thị và bán hàng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Xem thêm: Khám phá top 10 doanh nghiệp B2B thành công với Shopify Plus
B2C (Business to Consumer)
B2C là hình thức giao dịch thương mại điện tử giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng cuối cùng. Hiểu đơn giản, đây là khi một doanh nghiệp trực tiếp cung cấp sản phẩm hoặc dịch vụ cho cá nhân sử dụng, thay vì bán cho các doanh nghiệp khác. Một số đặc điểm chính:
- Sản phẩm và dịch vụ được doanh nghiệp trực tiếp cung cấp đến tay người tiêu dùng cuối cùng.
- Giao dịch thường diễn ra qua các kênh trực tuyến như website, mạng xã hội (fanpage, nhóm cộng đồng), hoặc các sàn thương mại điện tử.
- Người tiêu dùng có thể tìm hiểu thông tin, mua sắm sản phẩm (cả hữu hình và vô hình) và sử dụng chúng, trở thành người tiêu dùng cuối trong chuỗi cung ứng.
Ví dụ: Netflix cung cấp dịch vụ phát trực tuyến phim và chương trình truyền hình cho người tiêu dùng. Starbuck – chuỗi cà phê phục vụ trực tiếp cho khách hàng.
Đọc thêm: Thương mại điện tử B2C là gì? Mô hình và cơ hội phát triển
D2C (Direct-to-Consumer)
Mô hình kinh doanh trực tiếp đến người tiêu dùng (D2C) là một phương thức mà doanh nghiệp bán sản phẩm hoặc dịch vụ trực tiếp cho khách hàng mà không thông qua các trung gian. Mô hình này cho phép các thương hiệu kiểm soát toàn bộ quá trình từ sản xuất đến phân phối, đồng thời tạo ra mối quan hệ gần gũi hơn với khách hàng.
Đặc điểm chính:
- Tương tác trực tiếp: Doanh nghiệp có thể giao tiếp trực tiếp với khách hàng, thu thập ý kiến phản hồi và hiểu rõ nhu cầu của họ.
- Cá nhân hóa trải nghiệm: D2C cho phép doanh nghiệp tùy chỉnh sản phẩm và dịch vụ dựa trên dữ liệu khách hàng, tạo ra trải nghiệm mua sắm độc đáo.
- Quản lý thương hiệu: Các thương hiệu có thể xây dựng và duy trì hình ảnh của mình mà không bị ảnh hưởng bởi các nhà phân phối.
Ví dụ: Tesla bán xe điện trực tiếp cho người tiêu dùng thông qua trang web và các cửa hàng của mình, bỏ qua các đại lý truyền thống. BarkBox bán hộp quà hàng tháng cho chó, bao gồm đồ chơi và đồ ăn, trực tiếp qua website.
Xem thêm: Direct-to-Consumer là gì? Toàn bộ những gì bạn cần biết về mô hình D2C
B2G (Business to Government)
B2G là hình thức giao dịch trực tuyến giữa Doanh nghiệp và Chính phủ, bao gồm các cơ quan trực thuộc và tổ chức công cộng. Mô hình này hỗ trợ các hoạt động liên quan đến nhà nước, chẳng hạn như:
- Thanh toán các khoản phí công.
- Thực hiện thủ tục cấp phép trực tuyến.
- Cung cấp thông tin về luật pháp, quy chế, chính sách, và các dịch vụ hành chính công trực tuyến cho doanh nghiệp.
Ví dụ: Lockheend Martin cung cấp các sản phẩm và dịch vụ công nghệ cao cho chính phủ, bao gồm quốc phòng và an ninh. Oracle cung cấp phần mềm quản lý dữ liệu cho các cơ quan chính phủ.
C2C (Consumer to Consumer)
C2C là hình thức giao dịch trực tiếp giữa người tiêu dùng với nhau thông qua các nền tảng trực tuyến. Mô hình này cho phép cá nhân mua và bán sản phẩm hoặc dịch vụ một cách dễ dàng.
Các đặc điểm chính của mô hình C2C:
- Giao dịch diễn ra giữa hai người tiêu dùng.
- Thường được thực hiện qua các sàn thương mại điện tử, trang đấu giá trực tuyến, hoặc mạng xã hội (nhóm, fanpage)
Ví dụ: Craigslist – trang web cho phép người dùng đăng tin rao vặt và giao dịch với nhau. eBay – nền tảng trực tuyến cho phép người tiêu dùng mua bán hàng hóa với nhau, thường là hàng đã qua sử dụng.
C2B (Consumer to Business)
C2B là mô hình mà người tiêu dùng tạo ra giá trị để các doanh nghiệp sử dụng. Nói cách khác, đây là khi cá nhân cung cấp sản phẩm, dịch vụ hoặc giá trị cho doanh nghiệp.
Ví dụ: Upwork cho phép các freelancer cung cấp dịch vụ của họ cho các doanh nghiệp. Shutterstocks cho phép người dùng bán ảnh và video cho các doanh nghiệp.
C2G (Consumer to Government)
C2G, hay Công dân với Chính phủ, là hình thức giao dịch trực tuyến giữa cá nhân và các cơ quan nhà nước. Một số dịch vụ có thể kể đến như:
- Nộp thuế trực tuyến: Cá nhân sử dụng dịch vụ của cơ quan thuế để khai báo và nộp thuế nhanh chóng.
- Đóng bảo hiểm xã hội trực tuyến: Người lao động sử dụng cổng thông tin của cơ quan bảo hiểm để đóng bảo hiểm hàng tháng.
Ví dụ: Petitions.whitehouse.gov – nền tảng cho phép công dân gửi kiến nghị đến chính phủ Hoa Kỳ. Code for America – tổ chức phi lợi nhuận kết nối công dân với chính phủ thông qua công nghệ.
Xem thêm: Top các chiến lược kinh doanh thương mại điện tử hiệu quả
13 phương thức phân phối dựa trên các mô hình thương mại điện tử
Dropshipping
Dropshipping là mô hình kinh doanh thương mại điện tử phù hợp với những người muốn bắt đầu với chi phí thấp và không cần quan tâm đến việc quản lý tồn kho.
Trong mô hình này, người bán sẽ không giữ hàng hóa mà thay vào đó, sản phẩm được cung cấp bởi nhà cung cấp hoặc nhà sản xuất, họ sẽ chịu trách nhiệm đóng gói và giao hàng trực tiếp đến tay khách hàng. Người bán chỉ cần tập trung vào việc xây dựng cửa hàng, marketing sản phẩm và chăm sóc khách hàng, trong khi nhà cung cấp xử lý khâu vận hành và logistics.
Ưu điểm:
- Chi phí khởi nghiệp thấp: Không phải lưu trữ hàng hóa, bạn loại bỏ chi phí tồn kho, khoản chi phí lớn nhất đối với các doanh nghiệp thương mại điện tử mới.
- Rủi ro thấp: Vì không phải mua hàng trước, bạn không gặp rủi ro giữ các sản phẩm không bán được.
- Tối ưu hóa quy trình bán hàng: Nhà cung cấp dropshipping sẽ xử lý việc chọn hàng, đóng gói và vận chuyển, giúp bạn tiết kiệm thời gian và dễ dàng quản lý kinh doanh từ bất kỳ đâu.
Nhược điểm:
- Cạnh tranh cao: Rào cản gia nhập thấp khiến nhiều người tham gia, tạo ra sự cạnh tranh gay gắt và khó tạo sự khác biệt.
- Biên lợi nhuận thấp: Lợi nhuận thấp khiến bạn khó cạnh tranh trong quảng cáo trả phí, buộc phải đầu tư vào nội dung, dịch vụ, và phải bán số lượng lớn để đạt lợi nhuận đáng kể.
- Đồng bộ tồn kho kém: Phụ thuộc vào tồn kho của nhà cung cấp có thể dẫn đến tình trạng hết hàng, gây ra chậm trễ và ảnh hưởng xấu đến uy tín của bạn.
Xem thêm: 11 cách tăng doanh số bán hàng online cho các nhà bán lẻ
Retail (Bán lẻ)
Bán lẻ là khi bạn trực tiếp bán sản phẩm cho người tiêu dùng trong mô hình kinh doanh B2C. Hình thức này có thể diễn ra tại cửa hàng truyền thống hoặc qua các sự kiện bán lẻ tạm thời như pop-up shop, chợ, và hội chợ. Ngoài ra, bán lẻ cũng có thể kết hợp mô hình B2B, chẳng hạn khi bạn bán sỉ hoặc cung cấp sản phẩm cho doanh nghiệp, như nội thất văn phòng.
Ưu điểm:
- Tạo kết nối mạnh mẽ với khách hàng: Giao tiếp trực tiếp giúp xây dựng và duy trì mối quan hệ tốt với khách hàng.
- Tăng doanh số: Cửa hàng vật lý không chỉ thu hút người mua trực tiếp mà còn hỗ trợ tăng lưu lượng truy cập đến website bán hàng. Ngoài ra, khách hàng có cơ hội trải nghiệm sản phẩm thực tế, từ đó dễ đưa ra quyết định mua hàng hơn.
- Không lo vấn đề vận chuyển: Bán hàng trực tiếp tại cửa hàng giúp loại bỏ chi phí và rủi ro liên quan đến vận chuyển và trả hàng.
Nhược điểm:
- Chi phí vận hành cao: Cửa hàng vật lý yêu cầu chi phí ban đầu lớn và các khoản chi phí vận hành liên tục.
- Thiếu linh hoạt: Khác với cửa hàng trực tuyến, thay đổi không gian bán lẻ cần nhiều thời gian và công sức.
- Quản lý phức tạp hơn: Ngoài việc vận hành online, bạn phải quản lý thêm các yếu tố liên quan đến cửa hàng vật lý.
Wholesale (Bán buôn)
Bán buôn là hình thức mua sản phẩm từ các nhà cung cấp với số lượng lớn, phù hợp cho những ai muốn khởi nghiệp nhanh hoặc kinh doanh đa dạng sản phẩm và thương hiệu. Giao dịch mua sản phẩm từ nhà cung cấp là B2B, trong khi việc bán lại cho người tiêu dùng diễn ra theo mô hình B2C.
Ưu điểm:
- Kinh doanh sản phẩm có sẵn: Mua bán buôn ít rủi ro vì bạn kinh doanh những sản phẩm đã được thị trường chấp nhận, không cần tốn thời gian phát triển sản phẩm mới.
- Tận dụng thương hiệu: Kinh doanh các thương hiệu nổi tiếng giúp doanh nghiệp của bạn tạo dựng uy tín và thu hút khách hàng nhờ hiệu ứng thương hiệu sẵn có.
Nhược điểm:
- Khó khăn trong việc khác biệt hóa: Sản phẩm phổ biến từ nhiều nhà bán lẻ khiến bạn cần nỗ lực nhiều hơn để tạo sự khác biệt và thu hút khách hàng.
- Kiểm soát giá cả: Bạn phải tuân thủ chính sách giá từ nhà cung cấp, hạn chế khả năng giảm giá để cạnh tranh.
- Quản lý tồn kho: Bạn cần mua số lượng tối thiểu cho mỗi sản phẩm và quản lý tồn kho, từ việc lưu trữ đến tái đặt hàng.
- Quản lý đối tác cung cấp: Làm việc với nhiều nhà cung cấp khác nhau có thể phức tạp, do yêu cầu và quy trình của mỗi bên không đồng nhất.
Manufacturing (Tự sản xuất)
Tự sản xuất là hình thức phù hợp cho những người có ý tưởng độc đáo hoặc muốn cải tiến sản phẩm hiện có trong mô hình kinh doanh B2C hoặc B2B. Các cách tiếp cận:
- Private label (Nhãn riêng): Sản phẩm được sản xuất bởi nhà máy nhưng bán dưới thương hiệu của bạn. Bạn kiểm soát mọi khía cạnh, từ thành phần, bao bì đến nhãn mác, phù hợp để tạo ra sản phẩm độc quyền.
- White label (Nhãn trắng): Sản phẩm chung do nhà sản xuất tạo ra và được bán dưới thương hiệu của nhiều nhà bán lẻ khác nhau. Loại sản phẩm này hướng đến thị trường rộng hơn.
Ưu điểm:
- Chi phí trên mỗi sản phẩm thấp: Sản xuất hàng loạt giúp giảm giá thành đơn vị, tăng biên lợi nhuận.
- Kiểm soát tối đa: Bạn tự xây dựng thương hiệu, đặt giá và đảm bảo chất lượng sản phẩm.
- Linh hoạt: Có thể điều chỉnh chất lượng, tính năng hoặc sản phẩm theo nhu cầu thị trường.
Nhược điểm:
- Số lượng đặt hàng tối thiểu: Chi phí ban đầu cao, có thể cần hàng nghìn đô để đầu tư vào hàng tồn kho.
- Rủi ro khi thuê ngoài: Phụ thuộc vào đối tác sản xuất có thể gây ra các vấn đề khó kiểm soát, như lừa đảo hoặc chậm trễ.
- Đầu tư ban đầu: Quá trình sản xuất đòi hỏi nhiều thời gian và tiền bạc để nghiên cứu, thử nghiệm, và triển khai.
- Tốn thời gian: Tự làm sản phẩm có thể khiến bạn ít tập trung hơn vào việc phát triển kinh doanh.
Print on demand (In theo yêu cầu)
In theo yêu cầu là mô hình kinh doanh nơi bạn bán các sản phẩm được sản xuất theo đơn đặt hàng và mang thiết kế riêng của bạn. Phổ biến trong các doanh nghiệp B2C, mô hình này cũng có thể áp dụng cho B2B, như quà tặng khách hàng hoặc đồ lưu niệm hội nghị. Khi khách hàng đặt hàng, dịch vụ in ấn bên thứ ba sẽ tạo, đóng gói và giao sản phẩm.
Ưu điểm:
- Tạo sản phẩm nhanh chóng: Chỉ cần thiết kế xong, bạn có thể đưa sản phẩm lên cửa hàng và bắt đầu bán ngay.
- Tự động hóa vận chuyển: Nhà cung cấp in ấn đảm nhận toàn bộ quy trình từ in ấn đến đóng gói và giao hàng. Bạn chỉ cần tập trung vào chăm sóc khách hàng.
- Chi phí ban đầu thấp: Không cần giữ hàng tồn kho, dễ dàng thêm bớt sản phẩm, thử nghiệm ý tưởng kinh doanh mới, và hướng tới các thị trường ngách.
Nhược điểm:
- Ít kiểm soát vận chuyển: Chi phí vận chuyển phức tạp, khác nhau theo từng loại sản phẩm. Việc tạo trải nghiệm mở hộp đặc biệt cũng bị hạn chế.
- Hạn chế tùy chỉnh: Mức độ tùy chỉnh phụ thuộc vào nhà cung cấp và sản phẩm. Bạn cần cân nhắc chi phí cơ bản, kỹ thuật in và các kích thước có sẵn khi chọn sản phẩm.
Digital products (Sản phẩm kỹ thuật số)
Sản phẩm số là các tài sản hoặc nội dung không có dạng vật lý, có thể bán và phân phối trực tuyến mà không cần bổ sung kho hàng. Chúng thường là các tệp có thể tải xuống, phát trực tuyến, hoặc truyền tải như MP3, PDF, video, plug-in, và template.
Ưu điểm:
- Chi phí hoạt động thấp: Không cần quản lý hàng tồn kho hoặc chịu chi phí vận chuyển.
- Khả năng mở rộng cao: Sản phẩm có thể được giao ngay lập tức, giúp bạn tiết kiệm thời gian và dễ dàng tự động hóa khi doanh nghiệp phát triển.
- Đa dạng sản phẩm: Có thể áp dụng nhiều mô hình như cung cấp miễn phí kèm nâng cấp trả phí (freemium), đăng ký hàng tháng cho nội dung độc quyền, hoặc bán giấy phép sử dụng sản phẩm số.
Nhược điểm:
- Cạnh tranh cao: Nhiều sản phẩm số có thể được tìm thấy miễn phí. Bạn cần nhắm đúng thị trường ngách, cung cấp sản phẩm chất lượng cao và xây dựng thương hiệu mạnh để thành công.
- Rủi ro vi phạm bản quyền: Sản phẩm của bạn có nguy cơ bị sao chép và sử dụng bất hợp pháp.
- Hạn chế bán hàng: Một số nền tảng, như Facebook và Instagram, chỉ cho phép bán sản phẩm vật lý theo chính sách thương mại của họ.
Subscription (Mô hình đăng ký)
Mô hình kinh doanh đăng ký yêu cầu khách hàng thanh toán phí định kỳ, thường là hàng tháng hoặc hàng năm, để truy cập sản phẩm hoặc dịch vụ. Mô hình này giúp các doanh nghiệp duy trì mối quan hệ lâu dài với khách hàng, tạo ra nguồn doanh thu ổn định nếu khách hàng tiếp tục thấy giá trị từ sản phẩm.
Ưu điểm:
- Doanh thu dự đoán được: Giúp dự báo doanh số, lập kế hoạch tồn kho và tái đầu tư cho sự phát triển.
- Dòng tiền ổn định: Thanh toán hàng tháng giúp doanh nghiệp có dòng tiền dồi dào.
- Khách hàng trung thành: Dễ dàng phân tích hành vi khách hàng, từ đó cải tiến sản phẩm và giữ chân khách hàng.
- Cơ hội bán chéo và nâng cấp: Dễ dàng bán thêm sản phẩm khi khách hàng đã tin tưởng.
Nhược điểm:
- Rủi ro hủy bỏ (churn): Cần giữ khách hàng tham gia lâu dài, nếu không sẽ gặp rủi ro hủy bỏ hợp đồng.
- Sản phẩm cần thay đổi liên tục: Nếu không thay đổi, sản phẩm có thể trở nên nhàm chán.
- Vấn đề nhỏ, hậu quả lớn: Mô hình này yêu cầu sự chính xác trong quy trình, vì một sự cố nhỏ có thể tạo ra vấn đề lớn.
Fee-for-service (Kinh doanh phí dịch vụ)
Mô hình tính phí theo dịch vụ là mô hình kinh doanh cung cấp dịch vụ thay vì bán sản phẩm. Mô hình này phổ biến trong các mô hình B2C, B2B, C2C, và C2B.
Ưu điểm:
- Trả phí theo thời gian: Các doanh nghiệp dịch vụ thường được trả tiền theo giờ, đảm bảo doanh thu cho từng giờ làm việc.
- Chi phí khởi nghiệp thấp: Các doanh nghiệp dịch vụ có chi phí khởi nghiệp và chi phí vận hành thấp. Bạn có thể bắt đầu với dịch vụ nhỏ và tiết kiệm để mở rộng sau này.
Nhược điểm:
- Khó mở rộng: Mô hình này đòi hỏi thời gian của bạn, nên rất khó để mở rộng mà không thuê thêm nhân viên hoặc nâng giá dịch vụ.
- Khó biện minh cho giá và thời gian: Dịch vụ tính theo giờ hoặc phí thường gặp phải sự phản đối từ khách hàng về việc giá trị công việc có tương xứng với thời gian bỏ ra hay không.
Xem thêm: Thương mại điện tử B2B và những nền tảng TMĐT dẫn đầu
Freemium
Mô hình kinh doanh Freemium là khi một doanh nghiệp cung cấp cả phiên bản miễn phí và trả phí của sản phẩm hoặc dịch vụ của mình. Mô hình này thường được áp dụng trong các doanh nghiệp B2C hoặc B2B, đặc biệt là trong lĩnh vực phần mềm và dịch vụ phần mềm dưới dạng SaaS (Software as a Service). Doanh thu từ mô hình này chủ yếu đến từ việc thuyết phục người dùng trả phí để có quyền truy cập các tính năng bổ sung.
Ưu điểm:
- Dễ dàng thu hút khách hàng mới: Mô hình Freemium giúp thu hút khách hàng mà không yêu cầu chi phí ban đầu, khiến việc đăng ký và thử nghiệm sản phẩm trở nên dễ dàng hơn.
- Cơ hội bán chéo và nâng cấp: Ngay cả người dùng miễn phí cũng cung cấp dữ liệu quý giá, giúp doanh nghiệp cá nhân hóa các chương trình khuyến mãi và đề xuất, tạo cơ hội bán thêm hoặc nâng cấp.
Nhược điểm:
- Khó chuyển đổi người dùng miễn phí thành trả phí: Người dùng miễn phí thường hài lòng với trải nghiệm của họ, vì vậy việc thuyết phục họ chi trả cho các tính năng bổ sung có thể gặp khó khăn.
- Rủi ro cao về tỷ lệ hủy bỏ: Mô hình Freemium có nguy cơ cao về tỷ lệ hủy bỏ dịch vụ, đặc biệt khi người dùng có thể tiếp tục sử dụng phiên bản miễn phí với các tính năng hạn chế.
Affiliate marketing (Tiếp thị liên kết)
Mô hình affiliate là khi bạn kiếm được hoa hồng hoặc phí giới thiệu từ việc giúp khách hàng mua sản phẩm hoặc dịch vụ từ đối tác affiliate. Đây thường là mô hình C2C, khi các cá nhân giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng khác, nhưng cũng có thể áp dụng cho mô hình C2B.
Ưu điểm:
- Cơ hội thu nhập thụ động: Mô hình affiliate mang lại cơ hội thu nhập thụ động. Doanh nghiệp có thể sử dụng mạng lưới affiliate để quảng bá sản phẩm, trong khi affiliates chỉ cần thiết lập các liên kết và chờ đợi người dùng mua hàng.
- Cơ hội hợp tác: Affiliates có thể hợp tác với nhiều thương hiệu khác nhau, mở rộng cơ hội và tiếp cận các lĩnh vực mà họ không thể khám phá trước đó.
Nhược điểm:
- Lợi nhuận nhỏ: Affiliate thường chỉ nhận một tỷ lệ phần trăm nhỏ từ doanh thu mà họ mang lại. Do đó, cần rất nhiều lượt giới thiệu để có thể kiếm được thu nhập đáng kể.
- Cần có mạng lưới: Để thành công, affiliates cần có một lượng người theo dõi hoặc mạng lưới khách hàng nhất định. Nếu không có mạng lưới sẵn có, bạn sẽ cần đầu tư thời gian và công sức để xây dựng.
Razor and blades (Mô hình dao cạo và lưỡi dao)
Mô hình razor blade là khi bạn bán một sản phẩm ban đầu với giá rẻ, nhưng để sử dụng lâu dài, khách hàng phải mua thêm các sản phẩm bổ sung với giá cao hơn. Các sản phẩm thay thế này thường có biên lợi nhuận cao hơn.
Ưu điểm:
- Khuyến khích mua hàng lặp lại: Mô hình này giúp thúc đẩy khách hàng quay lại mua các sản phẩm bổ sung, tăng cường lòng trung thành và giá trị khách hàng lâu dài.
- Thu thập dữ liệu khách hàng: Mỗi lần mua hàng, bạn có thể thu thập thêm thông tin khách hàng, giúp cải thiện chiến lược tiếp thị và dịch vụ.
Nhược điểm:
- Rủi ro làm giảm giá trị thương hiệu: Nếu sản phẩm ban đầu quá rẻ và các sản phẩm thay thế lại đắt, khách hàng có thể nghi ngờ về chất lượng và độ tin cậy của thương hiệu.
- Cạnh tranh và thay thế: Mô hình này dễ bị cạnh tranh bởi các đối thủ có thể cung cấp sản phẩm thay thế với mức giá tốt hơn hoặc chất lượng cao hơn.
Franchise (Nhượng quyền)
Franchise là mô hình kinh doanh trong đó một công ty (franchisor) phát triển thương hiệu và sản phẩm, sau đó bán quyền sử dụng thương hiệu cho các đối tác (franchisees) để họ tự xây dựng và vận hành doanh nghiệp dưới tên thương hiệu đó.
Ưu điểm:
- Nhận thức thương hiệu và hỗ trợ sẵn có: Franchise giúp bạn bắt đầu kinh doanh dễ dàng hơn, với sự hỗ trợ từ thương hiệu và các nguồn lực sẵn có.
- Mở rộng nhanh chóng: Khi trở thành franchisor, bạn có thể mở rộng phạm vi địa lý mà không cần trực tiếp tham gia vào việc mở thêm chi nhánh mới.
Nhược điểm:
- Hạn chế linh hoạt: Franchisee cần tuân thủ quy định của franchisor về giá cả, trưng bày sản phẩm, dịch vụ khách hàng, và nhiều yếu tố khác.
- Chi phí đầu tư cao: Để trở thành franchisee, bạn phải trả phí đầu tư ban đầu và các chi phí khởi nghiệp khác, có thể khá tốn kém.
Brokerage (Môi giới)
Mô giới là khi một bên trung gian kết nối khách hàng với nhà cung cấp sản phẩm hoặc dịch vụ, đóng vai trò như một cầu nối giữa hai bên.
Ưu điểm:
- Đơn giản hóa giao dịch phức tạp: Brokerages thường tham gia vào các giao dịch phức tạp như bất động sản, cung cấp thêm các dịch vụ bổ sung để hỗ trợ các giao dịch này.
- Tận dụng nhận thức thương hiệu: Một số công ty môi giới nổi tiếng và có thương hiệu mạnh, giúp những người hợp tác có thể tận hưởng lợi ích từ sự kết nối với thương hiệu đó.
Nhược điểm:
- Hạn chế linh hoạt: Giống như mô hình franchise, hoạt động dưới một công ty môi giới thường yêu cầu tuân thủ các chính sách và quy trình của công ty môi giới, khiến các nhà đầu tư không thể tự do làm theo cách của mình.
- Phí và hoa hồng: Brokerages thu phí dịch vụ dưới dạng hoa hồng, chiếm một phần lợi nhuận từ giao dịch, điều này có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận của các bên tham gia.
Cách lựa chọn mô hình kinh doanh thương mại điện tử phù hợp
Để chọn các mô hình kinh doanh phù hợp trong thương mại điện tử, doanh nghiệp cần cân nhắc một số yếu tố:
- Khách hàng mục tiêu: Xác định rõ đối tượng khách hàng (B2C, C2C, B2B, C2B, v.v.) để lựa chọn mô hình phù hợp. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần hiểu rõ vấn đề của khách hàng để đưa ra giá trị phù hợp.
- Thế mạnh doanh nghiệp: Hiểu rõ về nguồn lực, vốn và sản phẩm của doanh nghiệp để chọn mô hình kinh doanh phù hợp.
- Cách thức kinh doanh và phương thức phân phối: Chọn phương thức phân phối phù hợp với loại sản phẩm.
Khám phá: Top 5 nền tảng thương mại điện tử tốt nhất cho doanh nghiệp
Kết luận
Trên đây là nội dung chi tiết về các mô hình kinh doanh thương mại điện tử phổ biến nhất và các phương thức phân phối dựa trên các mô hình kình doanh đó. Tuy nhiên, để lựa chọn và phát triển với mô hình kinh doanh phù hợp không phải là điều dễ dàng. Với kinh nghiệp hơn 12 năm hoạt động, BSS Commerce tự hào là đối tác tư vấn chiến lược, phát triển website thương mại điện tử cho nhiều doanh nghiệp B2B, B2C, B2B2C khách nhau. Liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn!